Làm đẹp
Thông tin doanh nghiệp
NEWS  |  TAGS

399B Trường Chinh, phường 14, quận Tân Bình, TP.HCM

Tan tành vỉa hè gạch terrazzo

Nhiều vỉa hè trên các tuyến đường ở TPHCM mới được sửa chữa lát gạch terrazzo, nâng cấp cách đây 1-2 năm hoặc đang trong tình trạng sử dụng tốt sau vài năm chỉnh trang nhưng đã hư hại

Theo ghi nhận của chúng tôi, một số vỉa hè ở TPHCM được nâng cấp khang trang cách đây không lâu hiện đã xuống cấp nghiêm trọng. Đa phần vỉa hè hư hại là do người dân cho xe leo lên lề để né kẹt xe và “lô cốt”. Lãnh đạo nhiều quận than trời vì phải è cổ chi tiền tỉ để nâng cấp vỉa hè, nay chúng đã nát bươm.

“Lô cốt” tới đâu, vỉa hè “tiêu” tới đó Đường Lê Văn Sỹ vẫn còn một “lô cốt” to đùng án ngữ, bị chiếm dụng toàn bộ để thi công lắp đặt cống thoát nước của Dự án Vệ sinh môi trường TPHCM lưu vực Nhiêu Lộc – Thị Nghè ở phường 13, quận Phú Nhuận. Muốn đi qua đoạn này, người dân buộc lòng phải nối đuôi nhau leo lên vỉa hè. Vỉa hè trong vòng bán kính 100 m tính từ “lô cốt” này đều trong tình trạng sứt sẹo. Bó vỉa có đoạn bị máy xúc “ăn” mất, có đoạn bị tách ra khỏi vỉa hè. gạch Terrazzo lát dù màu vẫn còn tươi mới nhưng đã bể làm 3-4 mảnh hoặc bị bong lên, gập ghềnh mỗi khi xe chạy ngang qua. Chẳng những bó vỉa hư hỏng nặng vì bị máy xúc “cạp” mà hàng gạch đầu tiên trên vỉa hè cũng bể nát.

Anh Nguyễn Văn Yên, bảo vệ một cửa hàng thời trang trên đường Lê Văn Sỹ, nói: “Lô cốt tới đâu thì vỉa hè tiêu tới đó. Xe chạy hằng ngày, vỉa hè không hư mới lạ”. Tương tự, vỉa hè trên đường Trường Chinh - quận Tân Bình cũng trong tình trạng xộc xệch không kém. Tuyến này từng bị “lô cốt” nhích từ đầu đến cuối đường. Vỉa hè có nhiều đoạn bị bong tróc, bể nát, xen kẽ với nhiều đoạn vẫn còn kiên cố, trông như một tấm áo bị thủng lỗ chỗ. Đường Trường Chinh hiện vẫn còn trong giai đoạn đấu nối cống ngang nên nhiều chỗ trên vỉa hè bị phá ra để thi công. Điều đáng nói là khá nhiều nơi trên vỉa hè sau khi thi công xong, nhà thầu chỉ láng lại bề mặt bằng xi măng rồi bỏ đó cả tháng mà không lát lại gạch terrazzo.

Vỉa hè trước trụ sở UBND phường 7, quận Tân Bình trên đường Cách Mạng Tháng Tám trông vô cùng nham nhở vì bó vỉa bể nát, gạch lát biến mất, thảm hại không thua kém vỉa hè đường Lê Văn Sỹ. Đoạn đường này trước đây cũng bị “lô cốt” án ngữ, gây ra cảnh kẹt xe kéo dài, người dân leo lề chạy nên vỉa hè mới tan tành. Vỉa hè đường Nguyễn Kiệm - quận Phú Nhuận cũng nham nhở, xuống cấp vì “lô cốt”. Sau vài tháng nữa, vỉa hè tuyến đường Lý Thường Kiệt cũng sẽ bị băm nát tương tự như vỉa hè đường Trường Chinh vì nhà thầu đang tiến hành đấu nối cống ngang. Điều đáng nói là các vỉa hè này đều mới được sửa chữa cách đây 1-2 năm hoặc đang trong tình trạng sử dụng tốt sau vài năm chỉnh trang. Một số đoạn vỉa hè khác trên đường Võ Thị Sáu, Tôn Đức Thắng, Lê Quý Đôn... cũng trong tình trạng tan nát nhưng không phải do “lô cốt” gây ra mà chủ yếu do kẹt xe.

Nhà thầu kêu hết tiền Ông Mai Văn Thuận, Phó Văn phòng UBND quận Tân Bình, cho biết quận đã nhiều lần có văn bản yêu cầu nhà thầu sau khi thi công xong các tuyến đường Trường Chinh, Cách Mạng Tháng Tám, Lý Thường Kiệt, Hoàng Văn Thụ phải sửa lại vỉa hè đàng hoàng. Thế nhưng, các nhà thầu đều “lơ” và kêu... hết tiền, sau khi thi công xong thì bỏ đi, xem như “xù” luôn. Ông Đỗ Phụng Hiệp, Chánh Văn phòng UBND quận Phú Nhuận, cũng than vắn thở dài khi vỉa hè các tuyến đường Nguyễn Kiệm, Lê Văn Sỹ, Trường Sa, Phan Đình Phùng... đã “banh ta lông” vì “lô cốt”. Ông Hiệp cho biết sẽ tham mưu cho lãnh đạo UBND quận đòi tiền nhà thầu để sửa lại vỉa hè. Ông Lưu Trung Hòa, Phó Chủ tịch UBND quận 1, cho biết trên địa bàn quận ít có trường hợp vỉa hè bị băm nát vì “lô cốt”. Trước đây, quận đã chủ động dừng một số dự án chỉnh trang vỉa hè để chờ “lô cốt” rút đi mới triển khai. Còn những vỉa hè bị hư hại do người dân cho xe leo lên lề khi ùn tắc giao thông, quận dùng kinh phí duy tu để thay gạch mới. Trong khi đó, chỉ có UBND quận 3 đòi được chút đỉnh tiền của nhà thầu vào năm 2008 để sửa chữa một số đoạn vỉa hè. Đa số các vỉa hè khác đều chịu cảnh sứt mẻ, nặng nhất là 2 năm trước.